Hướng dẫn thủ tục xin giấy phép xây dựng 2022 mới nhất

Giấy phép xây dựng (GPXD) là điều kiện cần và đủ để chủ đầu tư và nhà thầu có được quyết định về diện tích xây dựng nhà ở và các hạng mục được phép xây dựng. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công chỉ được phép khởi công xây dựng khi đã có đủ các điều kiện theo quy định của Luật xây dựng. Để đảm bảo công trình được thực hiện suông sẻ, Invert mời bạn tham khảo ngay hướng dẫn thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ mới nhất năm 2022 trong bài viết dưới đây.

Trước khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép xây dựng, bạn cần phải xác định đúng nhu cầu của công trình sắp xây. Các loại giấy phép xây dựng gồm: GPXD mới, GPXD sửa chữa, cải tạo và GPXD di dời công trình. Với mỗi loại công trình khác nhau thì điều kiện hồ sơ cũng khác nhau, bạn nên xác định rõ để khâu chuẩn bị không xảy ra sai sót nhé!

1. Điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo Luật xây dựng năm 2014

Quy định về cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị được quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng 2014 như sau:

  • Công trình xây dựng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt;

  • Thiết kế xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định;

  • Phải Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận

  • Đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông;

  • Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị.

Nếu công trình là nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thì khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

2. Hồ sơ xin giấy phép xây dựng gồm những gì?

Hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được Nhà nước quy định tại Nghị định 53/2017/NĐ-CP - nghị định về cấp phép xây dựng 2017. Hồ sơ bao gồm:

2.1 Đối với công trình nhà đô thị

  • Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo mẫu

  • Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính).

  • Hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính), mỗi bộ gồm:

  • Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

  • Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200.

  • Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

  • Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế quy định tại Khoản này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.

  • Bên cạnh đó, nếu công trình xây dựng của bạn có công trình liền kề, bạn cần phải làm bản cam kết để bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

  • Nếu là công trình có chen tầng hầm, người làm thủ tục còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính của văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và các công trình lân cận

2.2 Đối với công trình nhà nông thôn

Hồ sơ xin cấp phép xây dựng bao gồm:

  • Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo mẫu.

  • Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất có chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã.

  • Sơ đồ mặt bằng xây dựng công trình trên lô đất và các công trình liền kề nếu có do chủ nhà ở đó tự vẽ.

3. Quy trình cấp giấy phép xây dựng

Hướng dẫn quy trình cấp giấy phép xây dựng được Nhà nước quy định tại Điều 102 Luật xây dựng như sau:

Bước 1. Tiếp nhận nộp sơ

Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân có nguyện vọng. Sau đó tiến hành kiểm tra hồ sơ và ra quyết định.

Đối với các hồ sơ đạt yêu cầu, UBND huyện ghi giấy biên nhận cho chủ đầu tư. Trường hợp hồ sơ chưa hoàn thiện, cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định;

Bước 2. Thẩm định hồ sơ

Quá trình thẩm định hồ sơ được thực hiện trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tổ chức thẩm định và kiểm tra thực địa. Trong quá trình thẩm định, cơ quan có quyền gửi yêu cầu bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung hoặc chỉnh sửa nếu tài liệu còn thiếu hoặc không đúng với thực tế.

Thời gian đưa ra thông báo trong trường hợp này là trong vòng 5 ngày làm việc. Nếu việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

Bước 3. Lấy ý kiến của cơ quan chức năng

Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD sẽ đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật XD. Đồng thời họ sẽ gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vưc liên quan đến công trình.

Trong thời gian đó, các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Nếu sau thời hạn quy định mà không có ý kiến gì thì được coi là đã đồng ý. Tuy nhiên, họ phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.

Bước 4. Cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư

Trong thời gian 15 ngày, nếu nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp GPXD cho công trình nhà ở riêng lẻ.

Chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận.

4. Xin giấy phép xây dựng ở đâu? Xin giấy phép xây dựng mất bao lâu?

Cơ quan có thẫm quyền cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà ở riêng lẻ và các công trình còn lại là UBND cấp huyện thuộc địa giới hành chính quản lý.

Thời gian cấp giấy phép xây dựng thông thường là 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. Trong trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép phải thông báo bằng văn bản và thời gian không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.

5. Xin giấy phép xây dựng hết bao nhiêu tiền?

Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng được quy định Thông tư 02/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính, bao gồm:

  • Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với:

  • Nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 50.000 (năm mươi nghìn) đồng/giấy phép;

  • Công trình khác: 100.000 (một trăm nghìn) đồng/giấy phép.

  • Mức thu gia hạn giấy phép xây dựng: 10.000 (mười nghìn) đồng.

(Phí xây dựng nhà ở được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên kinh phí xây dựng nhà ở và không bao gồm chi phí thiết bị. Cụ thể, mức phí xây dựng nhà ở riêng lẻ được tính theo diện tích xây dựng nhưng tối đa không quá 35.000 đồng/m2. Cách tính này được áp dụng theo nguyên tắc giảm dần theo cấp nhà và mức thu áp dụng đối với nhà ở nông thôn thấp hơn nhà ở đô thị)

6. Giấy phép xây dựng có thời hạn bao lâu?

Sau khi được cấp GPXD, trong thời hạn 12 tháng mà công trình chưa khởi công thì người xin giấy phép xây dựng nhà phải xin gia hạn giấy phép xây dựng trong vòng 30 ngày trước khi giấy phép hết hạn.

Các chủ đầu tư cần lưu ý, GPXD chỉ được quyền gia hạn đúng một lần. Nếu sau 6 tháng gia hạn, công trình vẫn chưa khởi công xây dựng thì bắt buộc bạn phải một lần nữa làm thủ tục xin GPXD mới.


Trên đây là những thông tin bổ ích về thủ tục xin giấp phép xây dựng công trình nhà ở. Sẽ khá phiền phức nếu như bạn nắm không rõ thủ tục, hồ sơ và thời hạn của giấy phép xây dựng. Vì thế, đừng quên tìm đến đơn vị tư vấn xây dựng uy tín để được thông tin đầy đủ và chính xác nhất nhé!